Đang xử lý.....

left - Page phải

Lễ hội Kỳ Yên 

bigadmin

Lễ Kỳ yên có nghĩa là lễ cầu an, là lễ tế thần Thành hoàng lớn nhất trong năm của một ngôi đình thần ở Nam Bộ, Việt Nam. Đình làng ở Nam bộ mỗi năm có 2 lệ cúng: Thượng Điền (khi thu hoạch xong) và Hạ Điền (khi bắt đầu xuống ruộng), Kỳ Yên có thể gộp chung với Thượng Điền hoặc Hạ Điền, cũng có thể một lễ riêng biệt tùy theo từng địa phương.

Lễ Kỳ Yên là nghi lễ cầu cho “mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an”. Tùy theo phong tục mỗi nơi mà lễ này sẽ được ấn định về thời gian, thứ tự và chi tiết. Tuy nhiên, thường thì các Lễ Kỳ Yên phải được tiến hành trang trọng tại một ngôi đình, đền, miếu… thời gian tổ chức trong 3 ngày, gồm 2 phần: Lễ và hội.

Nguồn gốc lễ Kỳ Yên

Lễ hội Kỳ Yên đã có từ rất lâu trong việc thờ lễ thần của người Việt. “Kỳ Yên” ở đây có nghĩa là cầu an, cầu cho quốc thái dân an, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi sinh sôi nảy nở.

Xưa kia ở khu vực phía Bắc tại các đình miếu trong làng người ta thường tiến hành làm lễ cầu an hay còn gọi là lễ Tống ôn, lễ Cầu mát. Lễ này là lễ mà dân làng sẽ bày cúng cháo lá đa, rải gạo muối thí thực để tống tiễn điềm xấu, cầu mong những điều tốt đẹp.

Về sau người Việt di dân vào phương Nam khẩn hoang lập ấp phải đương đầu với thiên nhiên khó khăn cùng những hiểm họa khôn lường. Lúc bấy giờ, để cầu mong được cuộc sống bình yên ấm no những người dân ở đây thường làm lễ cúng cầu an tại các ngôi đình đặt niềm tin của mình vào những vị thánh thần.

Dần dần về sau ở vùng Nam Bộ hình thành nên lễ hội Kỳ Yên. Lễ hội Kỳ Yên ở các ngôi đình là một trong những lễ hội lâu đời thể hiện đậm đà màu sắc văn hóa đình làng của Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ý nghĩa của lễ hội Kỳ Yên

Lễ Kỳ Yên mang ý nghĩa là ngày giỗ hội của làng. Mục đích của lễ kỳ yên là tế thần thành hoàng để cầu quốc thái dân an, xóm làng thịnh vượng, no ấm.

Lễ Kỳ Yên là dịp để dân làng họp mặt, bàn chuyện gia đình yên ấm, vui chơi

Lễ Kỳ Yên còn là dịp để các nghệ nhân giới thiệu sự khéo léo của mình như chưng hoa kết quả hoặc giới thiệu cái đỉnh đồng, cái lọ cắm hoa. Kỳ yên còn là dịp cho người làm vườn giới thiệu các loại cây trái mới, người làm ruộng giới thiệu các giống nếp ngon qua tài thổi xôi, làm bánh của các chị em phụ nữ.

Các hoạt động trong lễ hội Kỳ Yên

Lễ hội Kỳ Yên thường có các chương trình múa lân, múa rồng, các trò chơi dân gian… Người dân đến với Lễ Kỳ Yên ngoài mục đích cầu phước, cầu tài, cầu lộc, cầu thọ, còn là dịp ôn lại truyền thống lịch sử của ông cha đã khai hoang lập ấp. Đồng thời, được thỏa sức thưởng thức các chương trình nghệ thuật như hát bội, cải lương… Tuy nhiên, trong ngày Lễ Kỳ Yên, hát xướng văn nghệ không chỉ để giải trí bình thường mà cũng mang nội dung nghi lễ riêng biệt. Chương trình văn nghệ phải có nội dung đạo lý, kết thúc có hậu.